Tiểu đường tuýp 1 (tiểu đường type 1) là bệnh lý mạn tính do mức đường huyết tăng quá cao do cơ thể không sản sinh hormone insulin. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ căn bệnh này sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân bệnh Tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường type 1 thường xuất hiện ở những người dưới 30 tuổi, chủ yếu là ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Khi bị bệnh, tuyến tụy của người bệnh sẽ sản xuất ít hoặc không có insulin khiến người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.
Nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường type 1 là do hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công và phá hủy 1 phần của tuyến tụy sản xuất insulin. Trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ không thẫy xuất hiện bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi số lượng các tế bào sản xuất insulin bị ảnh hưởng đủ đến mức có thể gây ảnh hưởng đến lượng insulin được sản xuất. Lượng insulin thấp sẽ dẫn tới lượng đường trong máu tăng và kèm theo các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Do tiểu đường type 1 là bệnh tự miễn, nên những người mắc các bệnh tự miễn khác như bệnh Hashimoto hay bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát đều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1.
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1 hiện nay vẫn chưa được xác định. Các tế bào của hệ miễn dịch của cơ thể thông thường thường chỉ chống lại các tác nhân gây hại. Vì một lí do nào đó đã phá hủy các tế bào tiết insulin gây ra bệnh này.
Cũng có nhận định tiểu đường type 1 có thể liên quan đến sự phơi nhiễm với virus, và có yếu tố liên quan đến di truyền nhưng chưa chắc bố mẹ mắc tiểu đường type 1 thì con cái chắc chắn sẽ bị bệnh.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1
Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1 rất khó phát hiện, nhưng các triệu chứng của bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và dễ dàng phát hiện như:
- Khát nước nhiều
- Nhanh đói mặc dù mới ăn xong
- Khô miệng
- Đau bụng và nôn
- Đi tiểu thường xuyên
- Giảm cân không rõ nguyên nhân dù bạn đang ăn rất nhiều và thường xuyên cảm thấy đói
- Mệt mỏi
- Nhìn mờ
- Thở hít vào nhanh, sâu
- Dễ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc âm đạo
- Hay cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng
- Đái dầm vào ban đêm ở trẻ trong khitrước đó trẻ không có đái dầm
Dấu hiệu cấp cứu đối với bệnh tiểu đường type 1:
- Lú lẫn
- Thở nhanh
- Có mùi trái cây trong hơi thở
- Đau bụng
- Mất ý thức nhưng ít khi xảy ra
Đối tượng thường bị bệnh tiểu đường tuýp 1
- Tiền sử gia đình: Những gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng không phải trường hợp nào cũng có.
- Các yếu tố môi trường: Người bị phơi nhiễm với virus như Coxsackie, Rubella có thể khởi phát tình trạng phá hủy tế bào beta đảo tụy.
- Địa lý: Ở một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển có tỉ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 cao hơn
Hiện vẫn chưa có phương pháp nào để phòng ngừa tiểu đường tuýp 1. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các biện pháp ngăn chặn bệnh tiến triển ở những người mới được chẩn đoán.
Cách chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1
- Đường huyết bất kì >11,1 mmol/l, kèm triệu chứng của tăng đường huyết như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân quá mức…
- Đường huyết lúc đói (nhịn ăn >8-14h) >7 mmol trong 2 buổi sáng khác nhau
- Nghiệm pháp tăng đường huyết: Đường huyết 2h sau khi uống 75g glucose >11,1 mmol/l
- HbA1C (định lượng bằng phương pháp sắc kí lỏng) >6,5%
Ngoài ra còn có 1 số chẩn đoán khác:
- Tuổi khởi phát <30, triệu chứng rầm rộ, tiền sử gia đình có người từng bị bệnh, người mắc các bệnh tự miễn khác.
- Xét nghiệm có kháng thể kháng đảo tụy, định lượng insulin trong máu thấp hoặc bằng 0.
- Các xét nghiệm khác như Cholesterol, HDL-C, LDL-C, Triglycerid, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tìm protein niệu, xét nghiệm nước tiểu 24h
- Soi đáy mắt để tìm các tổn thương võng mạc
- Điện tâm đồ để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành
Các biện pháp điều trị bệnh Tiểu đường tuýp 1
- Có chế độ ăn phù hợp: Ăn đủ chất đạm, chất béo, đường, vitamin, muối khoáng và nước với khối lượng hợp lí
- Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần
- Kiểm soát đường huyết bằng insulin ngoại sinh. Dùng theo phác đồ và tuân thủ giờ tiêm, liều lượng tiêm để tránh bị tụt đường huyết. Có 4 loại insulin được sử dụng phổ biến nhất, gồm:
- Insulin tác dụng nhanh: Bắt đầu hoạt động trong vòng 15 phút và có tác dụng kéo dài trong 3 – 4h.
- Insulin tác dụng ngắn: Bắt đầu hoạt động trong vòng 30 phút và kéo dài 6 – 8h.
- Insulin tác dụng trung bình: Bắt đầu hoạt động trong vòng 1-2 giờ và kéo dài 12 – 18h.
- Insulin tác dụng dài: Bắt đầu hoạt động vài giờ sau khi tiêm và kéo dài 24h hoặc lâu hơn.
- Kiểm soát huyết áp: Ưu tiên dùng các thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể khi có biến chứng thận (captopril, ibesartan, losartan..)