Bênh cúm mùa do các chủng virus gây ra, chẳng hạn như virus cúm A, B hay C. Vậy cần lưu ý gì khi điều trị bệnh cúm mùa và cách phòng tránh như thế nào? Ngoài sử dụng thuốc, còn có những phương pháp trị bệnh cúm nào?
Cúm mùa nguy hiểm như thế nào?
Đa số các trường hợp mắc cúm mùa đều có thể tự khỏi trong khoảng một tuần. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Chính vì thế, bạn không nên chủ quan, cần điều trị nhanh chóng và dứt điểm.

Mức độ nguy hiểm của bệnh cúm mùa được thể hiện rõ qua những yếu tố sau:
– Là căn bệnh dễ lây lan: Bệnh có thể dễ dàng lây nhiễm nếu bạn tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh trong các tình huống như nói chuyện với khoảng cách gần, người bệnh ho và hắt xì hơi, tay chạm vào những đồ vật có chứa virus sau đó đưa lên miệng, mũi,…
– Nguy cơ biến chuyển thành ác tính: Nhiều người mắc bệnh mà không cần điều trị nhưng cũng có những trường hợp bệnh đột ngột chuyển biến nặng dẫn tới những biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng,… thậm chí có thể gây tử vong.
Bệnh dễ tiến triển nặng ở những trường hợp như người mắc bệnh mạn tính, bà bầu, trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi,… Do đó, những đối tượng này cần được theo dõi chặt chẽ nếu nhiễm cúm mùa và điều trị bệnh cúm kịp thời. Nếu xảy ra bất thường, dù là nhỏ nhất cũng cần được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.
– Nguy hiểm đối với bà bầu: Nếu nhiễm cúm mùa khi đang có thai, bà bầu có nguy cơ gặp phải biến chứng về phổi và nguy cơ bị sảy thai. Mẹ bầu bị cúm trong 3 tháng đầu tiên có thể gây biến chứng cho thai nhi, thường gặp nhất là những bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.
Phương pháp điều trị bệnh cúm mùa
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị dùng để điều trị bệnh cúm, người bệnh thường khỏi bệnh sau 5 đến 7 ngày mà không cần điều trị.
– Nếu không nằm trong nhóm nguy cơ cao thì không cần dùng thuốc. Trong một số trường hợp cần thiết, người bệnh có thể được điều trị triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý, không nên ra ngoài để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh.

– Nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng hoặc nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao thì cần được điều trị bằng các loại thuốc kháng virus để giúp giảm triệu chứng, hạn chế kéo dài bệnh và hạn chế gây biến chứng. Tuy nhiên, cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Nếu những triệu chứng bệnh cúm kéo dài quá một tuần. Người bệnh đã sử dụng thuốc hạ sốt mà vẫn sốt cao, có biểu hiện ho nhiều, tức ngực,… thì cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ theo dõi và xử trí sớm.
Các mẹo điều trị bệnh cúm mùa
Hiện tại, không có cách chữa trị dứt điểm bệnh cảm cúm của cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tham khảo một số biện pháp tự nhiên sau đây để làm giảm triệu chứng cảm cúm.
Dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà
Đây là lời khuyên của các bác sĩ dành cho bệnh nhân cảm cúm. Bạn nên gọi cho công ty hoặc trường học để thông báo nghỉ phép trong vài ngày khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cúm đầu tiên. Việc ở nhà và nghỉ ngơi không chỉ giúp bạn giảm cảm cúm nhanh, mà còn hạn chế lây lan căn bệnh này cho những bạn bè và đồng nghiệp khác.

Người bệnh cúm rất cần tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi tại nhà để cho phép cơ thể nghỉ ngơi. Khi bên trong cơ thể đang chống lại virus, bạn nên dưỡng sức bằng cách nằm trên giường hoặc chiếc sofa êm ái. Đồng thời, dành thời gian đọc sách, xem TV hoặc chỉ đơn giản là ngủ một giấc để bớt mệt mỏi và điều trị bệnh cúm tốt hơn
Uống nhiều nước
Cảm cúm uống nước gì? Người bệnh cúm luôn cần bổ sung nhiều chất lỏng hơn, không chỉ có nước lọc mà còn bao gồm cả nước ép trái cây, nước khoáng thể thao và các loại súp hầm xương (ví dụ như nước dùng phở gà). Chất lỏng có tác dụng giữ cho hệ hô hấp được ẩm ướt, giúp người bệnh dễ dàng ho và khạc nhổ ra những chất nhầy khó chịu. Điều này khiến cho điều trị bệnh cúm hiệu quả khi mầm bệnh được tống khứ ra ngoài. Nếu không, chúng sẽ bị tích tụ lại trong phổi và có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng.
Điều trị ho
Một số loại thuốc điều trị không kê đơn sẽ giúp điều trị bệnh cúm khi làm dịu cơn ho và giảm triệu chứng cảm cúm của bạn. Thuốc long đờm (tiêu đờm) – giúp biến chất nhầy trong khí phế quản thành chất lỏng để tống ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn, là một lựa chọn mà bạn có thể tham khảo.
Tuy nhiên không nên tùy ý cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng các loại thuốc ho hoặc thuốc cảm lạnh không kê đơn. Bên cạnh đó, những viên kẹo ngậm có chứa hoạt chất làm dịu cơn đau cổ họng, cũng như giảm triệu chứng cảm cúm, đặc biệt là ho của bệnh nhân.
Xông hơi
Trong trường hợp bạn bị nghẹt/ngạt mũi, liệu pháp xông hơi có thể mang đến hiệu quả trong việc giúp điều trị bệnh cúm. Nếu không có điều kiện đến phòng xông hơi hoặc nấu lá xông, bạn chỉ cần ngồi trong phòng tắm và đóng kín cửa. Sau đó, bật vòi nước nóng ở mức cao với mục đích là khiến cho căn phòng đầy hơi nước ẩm. Lưu ý ngồi cách xa vòi nước nóng để tránh bị bỏng.
Điều trị bệnh cúm bằng thuốc giảm đau và hạ sốt
Khi cơ thể tăng thân nhiệt để chống lại virus cúm sẽ khiến bệnh nhân bị sốt. Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen có thể điều trị bệnh cúm và các biểu hiện sốt cùng những cơn đau nhức cơ đi kèm. Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn dùng loại thuốc phù hợp.

Lưu ý không được dùng cho aspirin để điều trị bệnh cúm cho người dưới 19 tuổi để tránh gặp hội chứng Reye. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng có thể gây hại cho não vàgan.
Dùng máy phun sương tạo ẩm
Nếu không khí trong nhà quá khô, bật máy phun sương tạo độ ẩm có thể giúp bạn hỗ trợ điều trị bệnh cúm, giảm triệu chứng cảm cúm nghẹt mũi và ho. Không cho nước ấm vào máy phun sương vì điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo giữ thiết bị sạch sẽ để ngăn ngừa nấm mốc phát triển.
Nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi có bán sẵn tại bất kỳ nhà thuốc nào. Biện pháp này rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị bệnh cúm, giảm triệu chứng cảm cúm và an toàn ngay cả đối với trẻ em. Nhỏ vài giọt nước mũi vào một bên mũi, sau đó nhẹ nhàng đẩy chất nhầy và nước muối ra. Lặp lại bước này ở mũi còn lại cho đến khi cả hai mũi được thông.
Thuốc kháng virus cúm
Các loại thuốc điều trị bệnh cúm được CDC khuyến nghị bao gồm: baloxavir marboxil (Xofluza), oseltamivir (Tamiflu), peramivir (Rapivab) hoặc zanamivir (Relenza). Trong đó, oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) còn có tác dụng ngăn ngừa phát bệnh ở những người đã bị phơi nhiễm. Thuốc sẽ hoạt động tốt nhất khi người bệnh dùng trong vòng 48 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Nếu bạn dùng thuốc sớm, chúng có thể làm giảm cảm cúm nhanh và làm nhẹ các triệu chứng. Một số loại cần sử dụng trong 5 ngày, tuy nhiên những dược phẩm thế hệ mới hơn, như baloxavir marboxil (Xofluza) chỉ cần uống một liều duy nhất.
Phòng bệnh cúm mùa bằng cách nào?
Hiện nay, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh khá hiệu quả. Vắc xin có thể giúp chúng ta tạo kháng thể để tránh khỏi sự xâm nhập và tấn công của virus. Những trường hợp cần tiêm phòng cúm mùa hàng năm như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền,…

Ngoài tiêm phòng, mỗi người cũng cần có ý thức phòng tránh bệnh bằng những cách sau:
– Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi vừa ra ngoài hoặc vừa đến những nơi công cộng trở về nhà.
– Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Nếu dùng tay che miệng thì cần rửa tay bằng xà phòng. Trường hợp dùng giấy thì cần bỏ giấy vào thùng rác.
– Cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng làm việc, trường học,… Đặc biệt, cần dùng dung dịch tẩy rửa để làm sạch các bề mặt, đồ vật hay dùng đến, đồ chơi của trẻ nhỏ,…
– Nếu cơ thể có bất cứ thay đổi gì thì không nên chủ quan, cần đi khám sớm để được xử trí kịp thời. Trường hợp bị sốt, ho và đau họng, nhất là khi đang trong thời điểm dịch cúm thì cần nghỉ ngơi tại nhà. Đồng thời thông báo cho trường học, cơ quan làm việc và cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn cách ly và phương pháp xử trí.
– Những người dễ bị cúm hoặc có nguy cơ cao biến chứng như người có bệnh nền, trẻ nhỏ, người già, thai phụ,… thì cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc những người đang nghi ngờ mắc bệnh.
– Không tự ý dùng thuốc kháng virus hoặc các thuốc điều trị bệnh cúm mà cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
– Giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh và đảm bảo ăn uống đầy đủ dưỡng chất để nâng cao thể trạng sức khỏe.