Tiểu đường thai kỳ là một bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai do tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể khi mang thai. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì tốt cho cả mẹ và bé?
Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào với cả mẹ và bé?
Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ và co thể gây nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi:
Đối với mẹ:
- Tiểu đường thai kỳ làm mẹ bầu tăng nguy cơ bị tiền sản giật hoặc sản giật.
- Tiểu đường thai kỳ khiến mẹ bầu dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm tái lại nhiều lần.
- Tiểu đường thai kỳ có thể khiến mẹ bầu bị sảy thai nhiều lần hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
- Tiểu đường thai kỳ tăng nguy cơ khó sinh do thai to, mẹ bị đa ối.
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
Đối với thai nhi:
- Trẻ có nguy cơ dị tật bẩm sinh.
- Dễ bị sang chấn khi sinh do thai to.
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ tử vong thai và trẻ sơ sinh.
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non gây suy hô hấp sau sinh
- Trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi. Nguy cơ trẻ bị đái tháo đường tuyp 2 trong tương lai cao.
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì tốt cho sức khỏe?
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp mẹ bầu ổn định đường huyết, làm giảm nguy cơ biến chứng do tiểu đường thai kỳ gây ra. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn và cần kiêng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ:
1. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Mẹ bầu khi đi khám thai nếu phát hiện các dấu hiệu đường huyết nên có chế độ ăn giảm lượng đường đưa vào cơ thể mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế đường, chất béo, muối, tăng cường protein, vitamin và khoáng chất cho cơ thể:
- Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ. Ngoài 3 bữa chính có thể thêm từ 2-3 bữa phụ. Tránh ăn quá nhiều trong một bữa gây tăng đường huyết sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
- Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, gạo lứt, các loại đậu, rau xanh, củ quả, cà chua và ăn các loại trái cây ít có vị ngọt… Hạn chế các loại củ như khoai sắn giàu tinh bột.
- Nên ăn cá, thịt nạc, các loại thịt gia cầm bỏ da,… để cung cấp đủ protein cho cơ thể
- Nên ăn các thực phẩm có chất béo không bão hòa như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive…, để đảm bảo cung cấp năng lượng cho cơ thể.
2. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần kiêng gì?
- Hạn chế ăn các thực phẩm gây tăng đường huyết như bánh kẹo, trái cây ngọt ( như sầu riêng, na, mít…), kem, chè… Hạn chế ăn nhiều tinh bột.
- Không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối như thịt khô, mì gói, xúc xích, đồ ăn đóng hộp….
- Hạn chế các món ăn mặn, hạn chế lượng natri đưa vào cơ thể <6g / ngày.
- Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều chất béo như lòng đỏ trứng, bơ, thực phẩm chiên xào, rán, mỡ động vật, nội tạng động vật…
- Không sử dụng đồ uống có chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê… nước ngọt, nước có ga, nước đóng sẵn có chứa hương liệu…
Chế độ tập luyện cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, mẹ bầu cũng cần thường xuyên tập luyện, vận động để giúp tiêu hao năng lượng dư thừa, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và ổn định đường huyết. Nhưng mẹ bầu chỉ nên thực hiện nếu không có chống chỉ định việc vận động. Những hoạt động thể dục thể thao mẹ bầu có thể tham gia:
- Đi bộ: Duy trì đi bộ khoảng 40 phút mỗi ngày rất tốt cho mẹ bầu. Việc đi bộ thường xuyên giúp tiêu hao năng lượng dư thừa, làm giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu cần đi vừa phải, không nên đi cố khi cảm thấy mệt nhé.
- Bơi lội: Bơi lội giúp mẹ bầu vận động toàn bộ cơ thể, làm giảm đường huyết hiệu quả.
- Tập yoga: Tập yoga giúp luyện thở, cung cấp lượng oxy cho cơ thể, thư giãn giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi cho mẹ bầu.
- Khiêu vũ: Khiêu vũ cũng giúp giảm căng thẳng mệt mỏi, cho tinh thần mẹ bầu luôn thoải mái. Nó cũng giúp phòng ngừa nguy cơ tiểu đường biến chứng gây tăng huyết áp thai kỳ, tiêu hao năng lượng và ổn định đường huyết.
Lời giải cho câu hỏi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì bên trên sẽ giúp mẹ bầu có một chế độ ăn uống hợp lý. Giúp mẹ bầu kiểm soát đường trong máu tốt hơn, làm giảm các nguy cơ biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Việc tăng cường ăn các thực phẩm nên ăn, hạn chế các thực phẩm không nên ăn kết hợp với một chế độ tập luyện hợp lý sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết tốt hơn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần khám thai định kỳ thường xuyên để biết được tình trạng kiểm soát đường huyết của mình nhé.