Để điều trị huyết áp thấp cho hiệu quả tối ưu, ngăn tái phát lâu dài thì cần xác định chính xác căn nguyên để có biện pháp giải quyết triệt để giúp chỉ số huyết áp ổn định về mức bình thường. Vậy tại sao huyết áp thấp? Cùng tìm hiểu ngay 6 nhóm nguyên nhân gây huyết áp thấp thường gặp dưới đây nhé.
Tại sao huyết áp thấp? 6 nguyên nhân khiến huyết áp thấp thường gặp nhất
1. Do việc giảm chất lượng, thể tích máu tuần hoàn
Huyết áp là chỉ số đo áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch, bởi vậy bất kỳ yếu tố làm giảm khối lượng và chất lượng máu tuần hoàn trong cơ thể đều có khả năng dẫn đến huyết áp thấp. Cụ thể:
- Thiếu máu: Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ sẽ khiến cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, dẫn đến lưu lượng tuần hoàn bị giảm sút và gây ra triệu chứng huyết áp thấp.
- Mất nước: Cơ thể mất nước do sốt cao, tiêu chảy kéo dài, nôn ói, tập thể dục hoặc làm việc gắng sức dưới thời tiết nắng nóng gây đổ nhiều mồ hôi sẽ khiến mất nước nhiều gây ra chứng hạ huyết áp.
- Mất máu: Những người bị mất máu do chấn thương, phẫu thuật, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, viêm loét đường tiêu hóa, khối u,… thường dễ bị hạ huyết áp.
2. Do bệnh lý tim mạch
Các bệnh lý về tim sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến huyết áp thấp. Do tim là cơ quan chủ chốt đóng vai trò co bóp tạo ra lực đẩy để đưa máu lưu thông khắp cơ thể. Nên những bệnh lý ở tim mạch có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim như suy tim, hẹp/hở van tim, thiếu máu cơ tim, nhịp tim chậm, viêm cơ tim,… đều có thể gây huyết áp thấp.
3. Do vấn đề về nội tiết
Huyết áp của cơ thể cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nồng độ của 1 số hormon trong máu, ví dụ như hormon aldosteron gây giữ muối, nước làm tăng huyết áp. Ngược lại progesteron làm giãn mạch sẽ dễ dẫn đến hạ huyết áp. Do vậy, ở những người mắc một số bệnh lý nội tiết như suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận,… thường dễ bị huyết áp thấp.
4. Do tác dụng phụ của các loại thuốc tây
Một số loại thuốc tây có thể gây ra các tác dụng không mong muốn dẫ đến hạ huyết áp trong thời gian điều trị. Nhưng tình trạng này có thể tự chấm dứt sau khi ngừng sử dụng thuốc. Trong đó phổ biến là các thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc lợi tiểu, thuốc trị bệnh Parkinson…
5. Do rối loạn chức năng thụ thể cảm áp
Có một số trường hợp huyết áp thấp không rõ nguyên nhân, không đi kèm 1 vấn đề sức khỏe khác có thể xuất phát từ sự rối loạn chức năng các thụ thể cảm áp. Cụ thể, các thụ thể nhận cảm áp nằm trong lòng mạch hoạt động kém nhạy bén có thể làm chậm trễ tín hiệu điều khiển khiến huyết áp giảm thấp, không thể tự điều chỉnh hoặc phục hồi lại như bình thường được.
6. Những nguyên nhân gây huyết áp thấp khác
- Huyết áp thấp cơ địa: Những người bị huyết áp thấp cơ địa có chỉ số luôn dưới 90/60 mmHg nhưng không gặp triệu chứng gì.
- Bệnh gan thận: Những bệnh nhân bị suy thận, xơ gan thường xuyên gặp phải tình trạng huyết áp thấp, tụt huyết áp.
- Mang thai: Phụ nữ khi mang thai hệ tuần hoàn sẽ phát triển mở rộng làm hạ huyết áp.
- Sốc phản vệ: Đây là những phản ứng dị ứng nghiêm trọng khiến huyết áp tụt sâu đột ngột kèm khó thở, nổi mề đay, sưng họng, ngứa,… có khả năng đe dọa tính mạng con người nếu không cấp cứu kịp thời.
- Nhiễm trùng máu: Các vi khuẩn từ các ổ viêm nhiễm ở ngoại vi xâm nhập vào máu sẽ giải phóng nhiều loại độc tố gây giảm huyết áp, sốc nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm.
Người bệnh huyết áp thấp cần làm gì để cải thiện huyết áp hiệu quả?
Để đạt hiệu quả lâu bền giúp duy trì huyết áp ổn định, người bệnh huyết áp thấp cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý:
- Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều loại thực phẩm tốt cho máu như cá, hải sản, trứng, thịt bò, thịt nạc, rau lá xanh đậm, bí đỏ, đậu đỗ,…
- Vận động đều đặn mỗi ngày bằng những bài tập thay đổi tư thế nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, yoga, thiền,…
- Uống nhiều nước, mỗi ngày tối thiểu 1.5 – 2 lít nhằm duy trì ổn định thể tích máu tuần hoàn.
- Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn bởi các chất này có thể gây mất nước khiến huyết áp giảm thấp hơn.
- Chia các bữa ăn thành bữa nhỏ 5 – 6 bữa/ngày để giúp cơ thể hấp thu tốt hơn, và nên nghỉ ngơi từ 30 phút – 1 tiếng sau ăn để tránh hạ huyết áp đột ngột.
- Nên tăng lượng muối trong khẩu phần ăn bởi muối giúp giữ nước trong lòng mạch để làm tăng huyết áp. Nhưng không nên thực hiện cách này nếu bệnh nhân đang mắc bệnh thận hoặc tim mạch.
- Có thể sử dụng vớ nén y khoa để làm tăng áp lực lên các mạch máu ở chân, giúp đẩy máu đến các cơ quan trên cao như tim, não bộ.
- Vào mỗi buổi sáng trước khi rời giường nên vận động nhẹ nhàng chân tay, sau đó từ từ ngồi và đứng dậy.
Trên đây là lời giải cho câu hỏi tại sao huyết áp thấp và 6 nguyên nhân gây huyết áp thấp phổ biến nhất. Việc tìm hiểu rõ các yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết áp thấp sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả hơn.