Bệnh huyết áp thấp là gì? Nguyên nhân do đâu?
Huyết áp thấp là bệnh lý gây ra do giảm trương lực thần kinh – mạch máu thường gặp ở phụ nữ trẻ, với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ. Hoặc các triệu chứng rối loạn chức năng tim mạch như đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi…
Bệnh huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa khiến hàm lượng đường máu giảm. Thói quen này làm giảm trương lực (sự đàn hồi, dẻo dai) của mạch máu, dẫn đến tụt huyết áp. Để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường, người bị bệnh huyết áp thấp cần phải được thăm khám, điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và nghiêm chỉnh thực hiện các quy tắc về ăn uống, sinh hoạt điều độ. Vậy huyết áp thấp uống gì, ăn gì để cải thiện huyết áp?
Huyết áp thấp uống gì, ăn gì để cải thiện huyết áp?
1. Uống nhiều nước
Nước giúp tăng thể tích máu, làm giảm nguy cơ tiềm tàng gây huyết áp thấp và giúp tránh mất nước. Người bệnh huyết áp thấp cần tránh sử dụng đồ uống có cồn. Bởi cồn không chỉ khiến cơ thể mất nước mà còn làm giảm huyết áp dù đã cung cấp đủ nước cho cơ thể.
2. Chế độ ăn uống cải thiện huyết áp thấp
Người bị bệnh huyết áp thấp cần có chế độ ăn đủ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn cần chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui, bánh mỳ… Một số thực phẩm giúp tăng huyết áp hiệu quả là:
- Nho khô: Nho khô giúp tăng huyết áp cho người bị huyết áp thấp. Nó giúp duy trì huyết áp ở mức thông thường bằng cách hỗ trợ tuyến thượng thận thực hiện chức năng. Nên ngâm khoảng 30-40 quả nho khô trong nước và để qua đêm sau đó ăn vào mỗi sáng khi đói.
- Hạt hạnh nhân: Loại hạt này giúp kiểm soát huyết áp thấp rất tốt. Bạn có thể ngâm 4-5 quả hạnh nhân trong nước, giữ qua đêm. Sau đó bóc lớp vỏ bên ngoài và xay nhuyễn và pha cùng sữa nóng.
- Trà cam thảo: Trà từ rễ cây cam thảo giúp bình thường hóa chỉ số huyết áp. Bạn có thể uống trà cam thảo trong 2-3 tuần để nâng huyết áp.
- Gừng tươi: Bệnh nhân bị huyết áp thấp nên ăn vài lát gừng tươi hoặc uống trà gừng để tăng huyết áp. Gừng có chứa dầu dễ bay hơi, giúp kích thích sự tiết dịch dạ dày, gây hưng phấn cho mạch máu và thúc đẩy tiêu hóa. Nếu thường xuyên ăn gừng sẽ có tác dụng nhất định trong việc điều trị huyết áp thấp.
- Thực phẩm cho người huyết áp thấp bị thiếu máu: Những người huyết áp thấp do thiếu máu nên ăn các loại đậu, rau dền, rau đay, gan lợn, trứng gà…
Bên cạnh đó, những người bị huyết áp thấp cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Trong chế độ ăn uống thường ngày chúng ta cần bổ sung các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B. Bạn có thể thêm vào thực đơn một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, hạt sen, long nhãn, táo tàu,…
3. Bổ sung các chất điện giải
Các chất điện giải có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì huyết áp. Người bị huyết áp thấp có thể uống nước muối pha loãng hoặc nước chanh để bổ sung điện giải cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng đồ uống chứa các nhóm chất điện giải như natri, kali… dành cho những người chơi thể thao.
4. Tăng thêm lượng muối
Người bình thường nên ăn nhạt, nhưng với người huyết áp thấp thì ăn nhạt không phải là lựa chọn tốt. Lượng muối ăn cần ít nhất 10-15g muối mỗi ngày. Lưu ý không ăn quá mặn để tránh gây tăng huyết áp khi nằm.
Huyết áp thấp nên tránh ăn gì?
Khi bị huyết áp thấp, người bệnh cần tránh tuyệt đối các thực phẩm có chứa cồn hoặc gây nghiện như rượu, bia hay thuốc lá. Bởi chúng có thể tác động khiến cơ thể người bệnh bị mất nước rất nhanh, kèm theo hiện tượng giãn mạch và chỉ số huyết áp giảm mạnh. Rượu bia, thuốc lá cũng là những chất có hại cho sức khỏe và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, bệnh nhân huyết áp thấp cũng không nên ăn nhiều cà chua, cà rốt và các thực phẩm có tính lạnh như rau bina, cần tây, dưa hấu, đậu (đỏ, xanh), tỏi, hạt hướng dương… Bởi nó có thể gây hạ huyết áp, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần cẩn thận lúc đứng lên đột ngột khi đang ở tư thế nằm và ngồi. Nên thở sâu vài phút trước khi đứng lên để tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận trong cơ thể.
Để củng cố thành mạch & nâng cao khả năng đẩy máu của tim, người bệnh cũng cần tích cực tập luyện các môn thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông… để có sức khỏe tốt nhất.