Nấm da đầu là 1 dạng viêm nhiễm dưới chân tóc, được biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng các vết loét tròn rộng. Bệnh không chỉ gây ngứa ngáy mà có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp cũng như tâm lý người bệnh. Vậy bị nấm da đầu phải làm sao? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Bệnh nấm da đầu biểu hiện như thế nào?
Nấm da đầu là 1 bệnh nhiễm trùng da đầu do nấm sợi thuộc loài Trichophyton & Microsporum xâm nhập vào sợi tóc gây bệnh. Các triệu chứng khi bị nấm da đầu:
- Đầu xuất hiện gàu nhiều: Bị nấm khiến da đầu tiết ra bã nhờn nhiều hơn bình thường, đặc biệt là da đầu bị gàu ướt.
- Ngứa, nổi mụn: Bạn sẽ có cảm giác bứt rứt khó chịu ngay cả khi mới gội đầu xong. Kèm theo là các triệu chứng da nổi mụn đỏ, vùng da bị tổn thương sần dày.
- Rụng tóc: Thường sau khoảng 20 – 30 ngày nhiễm bệnh, tóc sẽ bị rụng với số lượng ít nhiều tùy thời điểm.
- Rụng tóc thể mảng: Bạn sẽ thấy tóc rụng thành từng mảng có dạng đám tròn hay bầu dục lộ ra hẳn bên ngoài.
Hiện nay, có 2 loại nấm da đầu thường gặp đó là nấm Trichophyton & Microsporum. Mỗi loại sẽ có biểu hiện khác nhau:
- Nấm da đầu do Trichophyton gây nên: Bệnh nấm da đầu này khởi phát bằng các nốt sần nhỏ, mọc rải rác trên da đầu. Nền tổn thương sẽ có các mảng vẩy mỏng, các sợi tóc lành xen kẽ tóc bị cụt gần gốc (tóc bị nhiễm nấm sẽ trở nên cứng hơn và dễ gẫy). Mảng vảy trên da sau khi bong ra khỏi da đầu có thể tạo thành những mảng hói tạm thời. Bệnh này gây ngứa và có thể xuất hiện ở các vị trí khác như bẹn, mông, móng chân móng tay…
- Bệnh tóc hột (trứng tóc): Bệnh nấm da đầu này do chủng nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli gây ra. Nó xuất hiện với các dấu hiệu đặc trưng dọc theo thân tóc. Từ 2-3 cm tính từ gốc tóc sẽ có những hạt tròn (gần bằng hạt kê) mềm, có màu đen hoặc nâu và có thể tuốt ra như trứng chấy. Bệnh không gây rụng tóc vì sợi nấm chỉ phát triển ở thân tóc, có thể gây khó chịu hoặc ít ngứa. Bệnh thường phát sinh do điều kiện vệ sinh cá nhân kém, người mắc bệnh nấm da ở vị trí khác, hoặc do mồ hôi làm ướt tóc thường xuyên tạo môi trường ẩm ướt trên da đầu.
Đối tượng và nguồn lây nhiễm bệnh nấm da đầu
Những người phải lao động với cường độ cao, tiết nhiều mồ hôi, hay những người đang sống ở điều kiện ăn ở tập trung như đóng quân, sinh viên… điều kiện vệ sinh cá nhân thấp có thể dễ bị bệnh nấm da nói chung và nấm da đầu nói riêng, cần chủ động phòng chống bệnh có hiệu quả.
Nguồn lây bệnh chủ yếu là lây từ người sang người trong điều kiện sống chung, dùng chung đồ đạc, ngoài ra có thể có do một số loại thú cưng như chó, mèo. Nấm có thể tồn tại lâu dài, dai dẳng ở các vật dụng bị nhiễm. Bệnh lây trực tiếp từ da, qua da và phổ biến là lây gián tiếp qua việc dùng chung lược, mũ, gối…với người bệnh.
Để chuẩn đoán, ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm: Soi tươi bệnh phẩm là các mảng vẩy da đầu hoặc chất bám trên tóc. Sau đó nuôi cấy trong môi trường đạm thạch để chẩn đoán, xác định loại nấm và có phác đồ điều trị thích hợp.
Cách phòng ngừa và điều trị khi bị nấm da đầu
1. Cách điều trị khi bị nấm da đầu
Nếu bị nấm da đầu nhẹ, bạn nên gội đầu hàng ngày để loại bỏ tóc rụng, có thể dùng nước gội đầu pha Sulfide selenium hoặc dầu gội Nizoral để điều trị.
Nếu tình trạng nấm nặng hơn, sau khi gội đầu bằng phương pháp trên bạn nên phủ khăn trùm hết tóc (nên nhớ khi gội đầu không được gãi, cào mạnh để tránh gây xây xát da tại chỗ, tạo điều kiện bội nhiễm vi khuẩn).
Tốt nhất bạn nên cắt hết tóc ở vùng da đầu bị nấm, bôi thuốc diệt nấm và bạt sừng bong vẩy tại chỗ mỗi ngày. Nếu tổn thương do bội nhiễm vi khuẩn thì hãy bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ, có thể dùng kháng sinh toàn thân kết hợp. Sử dụng thuốc kháng sinh chống nấm Griseofulvin (biệt dược Gricin) tối thiểu trong 4 tuần.
2. Cách phòng bệnh nấm da đầu
- Nếu phát hiện mắc bệnh, nên điều trị kịp thời tại nhà hoặc điều trị chuyên khoa.
- Lưu ý nếu phát hiện thú cưng bị bệnh.
- Điều trị sớm, triệt để các bệnh nấm da khác trên cơ thể nếu có
- Không dùng chung các đồ dùng như lược, gối, mũ, chậu giặt….với người bị bệnh.
- Chú ý giữ tóc khô, sạch, gội đầu thường xuyên và làm khô tóc sau mỗi lần gội đầu rồi mới được đi ngủ.
Nấm da đầu không phải là bệnh lý khó chữa khỏi. Nếu bị bệnh này, bạn hãy phối hợp tích cực với bác sĩ nếu điều trị bằng thuốc trong giai đoạn nặng, hoặc điều trị kiên trì và thường xuyên bằng phương pháp tự nhiên nếu chỉ bị nhẹ.