Nấm da đầu là một dạng viêm nhiễm dưới chân tóc do nấm gây ra. Bệnh lan rộng bằng cách lây lan trực tiếp qua các tế bào trên da đầu, hay gián tiếp do việc dùng chung các đồ dùng như mũ, lược, dây buộc tóc với người mắc bệnh. Căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn tới hói đầu, rụng nhiều tóc, bong vảy, loét và chảy mủ kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và có mùi lạ trên da đầu. Vậy nấm da đầu cách trị tận gốc như thế nào cho hiệu quả cao?
Nấm da đầu có tác hại như thế nào?
Có nhiều loại nấm da đầu, trong đó phổ biến là bệnh nấm da đầu do Trichophyton gây nên và bệnh nấm da đầu do Trichosporon và Pierdraiahortai. Trong đó, bệnh nấm da đầu do Trichophyton gây nên khởi phát bằng các nốt sần nhỏ, mọc rải rác trên da đầu. Nền tổn thương sẽ có các mảng vẩy mỏng, các sợi tóc lành xen kẽ tóc bị cụt gần gốc (tóc bị nhiễm nấm sẽ trở nên cứng hơn và dễ gẫy). Mảng vảy trên da sau khi bong ra khỏi da đầu có thể tạo thành những mảng hói tạm thời.
Còn bệnh nấm da đầu do chủng nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli gây ra xuất hiện với các dấu hiệu đặc trưng dọc theo thân tóc. Từ 2-3 cm tính từ gốc tóc sẽ có những hạt tròn (gần bằng hạt kê) mềm, có màu đen hoặc nâu và có thể tuốt ra như trứng chấy. Bệnh không gây rụng tóc vì sợi nấm chỉ phát triển ở thân tóc, có thể gây khó chịu hoặc ít ngứa. Bệnh thường phát sinh do điều kiện vệ sinh cá nhân kém, người mắc bệnh nấm da ở vị trí khác, hoặc do mồ hôi làm ướt tóc thường xuyên tạo môi trường ẩm ướt trên da đầu.
Ngoài ra còn một trường hợp nấm da đầu khác là nhiễm nấm tổ ong. Đây là 1 bệnh ít gặp do lây từ động vật như chó, mèo… Đầu tiên, các mụn mủ sẽ xuất hiện ở một số chân tóc, sau đó lan dần ra xung quanh và tạo thành mảng lớn nổi cao thâm nhiễm. Bề mặt da đầu tổn thương thường gồ ghề, có nhiều vảy, nếu cạy vảy sẽ tạo ra các lỗ chỗ như tổ ong chứa nhiều mủ, tóc bị rụng tại đám thương tổn. Bệnh nấm tổ ong thường gặp ở da đầu trẻ em nhưng cũng có những trường hợp xảy ra ở người lớn.
Tuy nhiên, bệnh nấm da đầu cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm nang lông lan tỏa ở da đầu, và các bệnh nấm có mủ, ápxe do vi khuẩn, chốc ở da đầu.
Nấm da đầu cách trị tận gốc hiệu quả cao
Bệnh nấm da đầu có nhiều nguyên nhân gây ra nên cần được điều trị theo đơn của bác sĩ. Bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về cách dùng thuốc để điều trị có hiệu quả. Bệnh nhân không được tự dùng các loại thuốc kháng nấm vì có thể có những tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới gan, thận.
Nếu thấy ngứa và nổi sẩn ở da đầu, bạn cần kịp thời đến khám bệnh ở thầy thuốc chuyên khoa da liễu. Tại đây, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống. Riêng bệnh nấm tổ ong sẽ được chích rạch mủ, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn và phối hợp thuốc chống nấm. Có thể phải dùng kháng sinh chống nấm đường toàn thân.
Để chống nấm lan rộng trên da đầu, bệnh nhân có thể sử dụng dầu gội đầu chứa ketoconazol hoặc ciclopirox. Tóc trên vùng thương tổn thường mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng,. Nhưng bệnh nhân cũng có thể bị rụng tóc vĩnh viễn nếu bị nhiễm trùng kéo dài.
Cách phòng bệnh nấm tóc hiệu quả
- Luôn giữ tóc khô, sạch
- Không gội đầu quá nhiều, không dùng dầu gội có độ tẩy gàu cao, xả nhiều nước sau khi gội đầu.
- Khi gội đầu không cào gãi mạnh gây xây xước da đầu.
- Làm khô tóc sau khi gội hay đi ngoài trời mưa.
- Không đội mũ quá chật và quá lâu, bởi nó sẽ làm cho tóc ẩm, dễ bị bệnh.
- Tránh dùng chung khăn, lược, mũ với người khác, đặc biệt là những người tóc có nhiều gàu hoặc đang bị bệnh nấm tóc.
- Không tiếp xúc với thú cưng nghi là nguồn nhiễm bệnh
Nếu thấy ngứa và nổi sẩn ở da đầu, bạn cần đến gặp thầy thuốc chuyên khoa da liễu ngay để được tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp. Không tự ý bôi thuốc bởi điều này không chỉ không có tác dụng mà còn làm bệnh trở nên nặng thêm. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp, có chế độ gội đầu hợp lý, bệnh nấm da đầu có thể chữa khỏi hoàn toàn.