Dấu hiệu huyết áp thấp nhịp tim nhanh
1. Dấu hiệu huyết áp thấp
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên lòng mạch trong quá trình vận chuyển máu. Nó là huyết áp động mạch, thể hiện 1 phần sự hoạt động của hệ tuần hoàn cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg, huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg. Huyết áp thấp sẽ khiến cho việc tưới máu tới các cơ quan quan trọng trở nên khó khăn, khiến các cơ quan này hoạt động không bình thường gây nguy hiểm cho cơ thể. Khi bị huyết áp thấp, cơ thể sẽ có những biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh,…
Dấu hiệu huyết áp thấp thường xuất hiện ở phụ nữ, những người bị thiếu dinh dưỡng và thường xuyên mất ngủ. Ngoài ra, còn có trường hợp hạ huyết áp tư thế khi huyết áp giảm do thay đổi tư thế đột ngột.
2. Nhịp tim nhanh
Nhịp tim của một người bình thường được điều khiển rất nghiêm ngặt bởi nhiều cơ quan nhằm ổn định ở mức bình thường, không quá nhanh cũng không quá chậm. Thông thường nhịp tim sẽ được duy trì ở mức 60-100 nhịp/phút. Nhịp tim từ 100 nhịp/phút trở lên thì được gọi là nhịp tim nhanh. Khi đó, các chức năng cơ thể sẽ trở nên rối loạn, gây cảm giác mệt mỏi, hồi hộp trống ngực, tức nặng ngực… và nhiều dấu hiệu kèm theo tùy thuộc vào nguyên nhân khiến tim đập nhanh.
Nhịp tim nhanh cũng có thể là 1 dấu hiệu của tình trạng rối loạn hoạt động điện của tim khi những nút tạo nhịp bị kích thích tạo nhịp quá mức gây ra. Hoặc cũng có thể do tác động của hệ thần kinh hoặc do kích hoạt hệ giao cảm làm tăng nhịp tim.
Huyết áp thấp nhịp tim nhanh và nguyên nhân gây nên
Thông thường, nhịp tim nhanh sẽ gây nên huyết áp cao, nhưng cũng có một số trường hợp huyết áp có thể giảm do:
- Rối loạn hoạt động điện của tim: Xuất hiện khi trong tim có nhiều ổ phát nhịp làm trái tim đập không đồng bộ. Nhịp tim hoạt động không cùng nhau và trở nên không hiệu quả. Lúc này, nhịp tim có thể tăng cao 100 nhịp/phút và có khi tới 160 nhịp/phút.
Khi tim đập không đồng bộ, không hiệu quả sẽ làm cho máu đi nuôi cơ thể kém, khiến huyết áp giảm ở dưới mức bình thường. Khiến người bệnh thường có cảm giác hồi hộp trống ngực, hụt hơi, mệt mỏi, tức nặng ngực. Đôi khi có triệu chứng đau ngực kèm theo choáng váng, hoa mắt chóng mặt. Chứng rối loạn hoạt động điện của tim sẽ càng trở nên nguy hiểm khi người bệnh có kèm những bệnh về tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
- Hạ huyết áp tư thế: Huyết áp có thể bị hạ trong chốc lát kèm theo nhịp tim nhanh khi con người thay đổi tư thế đột ngột. Ví dụ khi bạn đang trong tư thế nằm hoặc ngồi quá lâu mà đột ngột đứng dậy sẽ làm dòng máu về tim và phân phối đi các cơ quan bị giảm xuống đột ngột gây hạ huyết áp. Lúc này, các hệ thần kinh và hệ nội tiết sẽ hỗ trợ điều chỉnh lại và đưa cơ thể về trạng thái bình thường.
Đối với những người bình thường, sẽ ít khi gặp trạng thái hạ huyết áp tư thế hoặc có gặp nhưng nhẹ và trôi qua nhanh khiến họ không cảm thấy sự thay đổi. Nhưng ở những người mắc bệnh tim mạch, hoặc đang dùng một số loại thuốc có thể gặp hiện tượng này thường xuyên gây cảm giác choáng váng, khó chịu, hồi hộp, khó thở, đau tức ngực…Lúc này người bệnh cần phải kiểm soát về tim mạch.
- Hồi hộp xúc động: Đây là 1 trạng thái của con người khi cảm xúc lên quá cao mà không kiểm soát được. Bình thường, những cảm xúc này sẽ không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Nhưng ở một vài tình huống, cảm xúc có thể tác động tiêu cực lên hệ tuần hoàn làm rối loạn nhịp tim. Khi đó, tim sẽ đập nhanh hơn nhưng không hiệu quả làm máu đẩy đi nuôi cơ thể kém dẫn tới chứng hạ huyết áp. Nếu là người bình thường thì có thể kiểm soát được nhưng ở những người có nguy cơ thì tình trạng này có thể trở nên nguy hiểm.
- Một trạng thái trong sốc: Sốc là một tình trạng suy giảm tuần hoàn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Sốc có thể do dị ứng, do mất máu cấp hoặc do chấn thương. Khi đó, nếu có 1 kích thích nào đó làm tim đập nhanh nhưng không hiệu quả, thì huyết áp sẽ bị tụt đột ngột làm người bệnh choáng váng, ngất,… Đây là 1 tình trạng cấp cứu cần đưa người bệnh đến cơ quan y tế và xử trí ngay.
Huyết áp thấp nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?
Huyết áp thấp nhịp tim nhanh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người nên chúng ta không thể chủ quan. Nhịp tim nhanh và huyết áp tụt cũng là 1 dấu hiệu cảnh báo sớm cho người bệnh để họ có những biện pháp điều trị hợp lý:
1. Biến chứng 1: Nguy cơ đột quỵ
Nhiều người cho rằng tăng huyết áp mới có thể gây đột quỵ. Nhưng thực ra, hạ huyết áp cũng có thể gây nên đột quỵ. Khi tim bị rối loạn nhịp trong trường hợp có nhiều ổ phát nhịp khiến cho dòng máu trong tim bị xáo trộn dễ tạo nên cục máu đông trong tim gây đột quỵ cho người bệnh
Hơn nữa, tình trạng hạ huyết áp cũng khiến dòng máu di chuyển chậm trong lòng mạch khiến nguy cơ tạo cục máu đông tăng lên. Khi cục máu đông di chuyển tới các mạch máu não sẽ làm tắc một đoạn mạch nào đó gây nên đột quỵ cho bệnh nhân. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng, mất vận động cảm giác một bên người,…
2. Biến chứng 2: Nhồi máu cơ tim
Biến chứng này cũng do cơ chế hình thành cục máu đông như trên. Nếu cục máu đông di chuyển vào mạch vành – mạch máu nuôi tim thì chúng cũng gây các ổ nhồi máu tại cơ tim làm bệnh nhân cảm thấy đau nhói, tức nặng ngực trái, đau không giảm khi nghỉ ngơi và cơn đau có thể kéo dài trên 30 phút.
3. Biến chứng 3: Huyết tắc phổi
Khi cục huyết khối di chuyển lên phổi, nó sẽ làm tắc mạch phổi và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện ho, khó thở, có thể ho ra máu
4. Biến chứng 4: Rối loạn tiền đình
Khi huyết áp thấp và nhịp tim nhanh làm máu đưa tới cơ quan không đủ. Phần bị ảnh hưởng sớm nhất là cơ quan tiền đình. Khiến người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt, không gian xung quanh quay cuồng, không thể tự đứng vững và bước đi bình thường, dễ ngã,…
Cách điều trị huyết áp thấp nhịp tim nhanh
Để điều trị bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị hiệu quả nhất. Việc chẩn đoán bệnh cũng không hề đơn giản vì có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây nên. Bác sĩ có thể chẩn đoán, điều trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng những phương pháp can thiệp nếu cần thiết.
Nếu chỉ là những trường hợp rung nhĩ đơn giản, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống đông làm hạn chế khả năng tạo cục máu đông tại tim. Và sử dụng thêm các nhóm thuốc hỗ trợ ổn định nhịp tim, chống suy tim cho bệnh nhân.
Nếu là các trường hợp rối loạn nhịp khác, bác sĩ sẽ sử dụng sốc điện để chuyển nhịp của bệnh nhân về nhịp bình thường. Những biện pháp can thiệp có thể sử dụng tùy vào nguyên nhân:
- Đốt điện: Là phương pháp sử dụng dòng điện nhằm triệt đốt các ổ phát nhịp không đều tại tim nhằm đưa nhịp tim về bình thường.
- Đặt máy tạo nhịp, máy khử rung: Sử dụng các máy này nhằm đưa nhịp tim về trạng thái bình thường dựa vào dòng điện kích thích nhịp tim. Nếu xuất hiện những nhịp có thể gây nguy hiểm thì sẽ khử rung nhằm tránh những đột quỵ nguy hiểm tại tim.
Như vậy, dấu hiệu hạ huyết áp nhịp tim nhanh là 1 biểu hiện của những bệnh tim mạch nguy hiểm bởi vậy người bệnh không thể chủ quan. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có một số hiểu biết cơ bản nhằm nhận biết và có hướng xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Điều trị yếu sinh lý ở nam giới: Những phương pháp hiệu quả cần biết
- Tretinoin đẩy mụn kinh hoàng, loại bỏ ngay nốt mụn đáng gét
- Soki tium là gì? Tại sao nó được nhiều mẹ bỉm sữa tin dùng?
- 3 thuốc derma forte 120 nghìn đồng – So sánh các loại kem trị mụn trong tầm giá
- Huyết áp thấp có nguy hiểm không? Những biến chứng có thể gặp khi tụt huyết áp